“Inner child”

Top cụm từ thịnh hành nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu

Hôm nay mình có cuộc trò chuyện với bản thân để “chất vấn” tại sao HÂ lại ngủ nhiều, ngủ li bì suốt tuần qua như thế mà không ngồi dậy nổi để hoàn thành chiếc portfolio đi xin việc (cái đáng ra nên được ưu tiên số 1). Sau 11 câu hỏi “tại sao” thì mình tìm gặp được “đứa trẻ bên trong của mình”.

Dạo gần đây sau khi nghỉ việc mình sống chậm lại hẵn để cảm nhận từng thứ nhỏ bé xung quanh mình. Và trong thời gian ấy, có vài lần mình bắt gặp đứa trẻ bên trong, chủ động, hoặc bị động.

  1. Lần thứ nhất mình gặp lại em bé HÂ ở quán gà Pháp trong con hẻm trên đường Hai Bà Trưng. Mình ngồi ăn một mình nhưng không kiềm được những giọt nước mắt cứ trào ra và liên tục lăn dài trên hai gò má. Mình thấy em bé HÂ được ba chỉ cách cầm dao xẻ thịt. Em bé lúc đó chắc tầm 7-8 tuổi thôi, người còn quá nhỏ để ngồi vừa chiếc ghế và bàn cao quá mặt. Nhưng ba vẫn dạy mình cách ứng xử trên bàn ăn ra sao, nên ăn món gì trước, món gì ngon, con nên gọi món con thích dù cho đó là lần đầu tiên con nhìn thấy món đó. Cứ thử đi con, luôn có ba ở đây. Lúc đó bao nhiêu ấm ức của một người đang cố gắng lớn như mình cứ tuôn ra, tự nhiên, dào dạt. Em bé HÂ năm nào bây giờ đã lớn, đã tự chạy xe đi ăn một mình, và tự trả tiền bằng chính những đồng lương mình tự kiếm bằng sức lực và sự trung thực.
  2. Lần thứ hai vẫn là lúc mình đi ăn một mình ở quán pizza tại Thảo Điền. Tai mình đeo tai nghe để nghe tập podcast có tựa đề đập vào mắt ngay giữa lúc mình chơi vơi của thầy Minh Niệm, “Người biết làm chủ cuộc đời “. Tập podcast này nói về việc tại sao con người sẽ luôn có thời kỳ cần quay vào bên trong, thời kỳ nghi hoặc chính bản thân mình và lạc lối. Mình đã khóc một lần nữa tại quán khi nghe đến câu “chào mừng con đã về nhà, welcome home...”. Khi mỗi người quay về ngôi đền bên trong của mình để tìm hiểu, chấp nhận, nâng niu, và nuôi dưỡng nó, mình đang thực sự về nhà, về nơi mình thuộc về. Lúc ấy, trái tim mình rung lên, em bé bên trong mình như nhận được một cái xoa đầu ấm áp chỉ bằng một giọng nói được thu âm sẵn thông qua chiếc tai nghe nhỏ xíu màu xanh bạc hà.
  3. Lần thứ ba chính là lần mình đề cập ở đầu bài. Sau một tuần ủ rủ, lê thê tại quê, mình quay trở lại Sài Gòn với mong muốn có thể “ép” bản thân quay vào guồng trở lại. Guồng sống hối hả, vội vã mà mỗi người vẫn đang phải “vật lộn” mỗi ngày để đạt được mục tiêu, mơ ước của mình. Nhưng tất cả điều đó sẽ có ý nghĩa gì khi mình chẳng thể gọi tên được thứ mình muốn? Nhưng mình cũng chẳng đủ kinh nghiệm và trải nghiệm để biết được thứ mình muốn là gì? Rồi mình lại thấy bản thân lẩng quẩng trong cái vòng lặp không hồi kết này. Nhưng hôm nay mình thấy nhẹ nhõm, vì mình gọi tên được em bé bên trong mình và Chat GPT cũng chỉ một cách khá là hay để tự trấn an bản thân. Mình có thể ngồi xuống, đặt tay lên tim, và thì thầm: “Mình đang ở đây. Mình sẽ không bỏ rơi chính mình nữa.”

Hai lần ở trên mình gặp em bé bên trong mình một cách bị động, mình không biết là em sẽ đến. Nhưng lần thứ ba, mình là người chủ động đi tìm em. Và lần chủ động này giúp mình khám phá được những khía cạnh sâu hơn ở bản thân mà có thể mình sẽ để dành chủ đề này cho bài viết tiếp theo.

Quay trở lại chủ đề đứa trẻ bên trong, inner child. Cụm từ này có thể khá quen thuộc với thế hệ người trẻ ngày nay. Thường từ này sẽ đi kèm với từ “chữa lành”. Và giới trẻ ngày nay đi “chữa lành” nhiều đến độ sẵn sàng buông bỏ hết những bận tâm, trách nhiệm xuống để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “tôi là ai”. Rồi xu hướng này lại vô tình trở nên biến chất và tiêu cực.

Vì có thiên kiến với chủ đề này mà trong một thời gian dài, mình đã trốn tránh và tự nói với bản thân rằng “lạc lối là sai”, “đi tìm bản thân để làm gì khi không thể kiếm được tiền nuôi cái miệng ăn của mình”, “giới trẻ ngày nay bị truyền thông dắt mũi”, “người lạc lối là những người tâm lý yếu”, “thế hệ này quá dư dả để cố gắng phấn đấu”,…và vô vàng những lời nói khác cứ chiếm lấy suy nghĩ của mình mỗi khi mình muốn bộc lộ những cảm xúc (được cho là yếu đuối) ra bên ngoài (buồn, tức giận, tủi thân,…).

Sau đó mình lại tiếp tục đặt câu hỏi tại sao. “Tại sao mình lại có suy nghĩ như vậy?”. Và mình bất ngờ.

Mình thấy rằng, xung quanh mình chỉ toàn là người lớn – những người lớn hơn mình rất nhiều tuổi. Với tất cả sự tôn trọng, mình rất nể họ, mình hiểu rằng, người lớn tuổi sẽ có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm hơn, họ sống đủ lâu để đúc kết thành những bài học mà họ thấy đúng với bản thân họ. Và mình thấy mình như một em bé đang học theo những gì mình được họ “dạy”. Nhưng em bé này quá thiếu “tư duy phản biện”. Em bé thấy người lớn nào cũng thật xịn nên tự động cho rằng những gì họ chia sẻ là đúng. Em bé đã học được nhiều bài học hay, nhưng vô tình học luôn cả những bài học không phù hợp.

Vậy nên bây giờ, mình đang phải unlearn tất cả những bài học không phản ánh được giá trị đích thực của con người mình, của những gì mình tin tưởng. Đây cũng là một bài học rất đậm để em bé HÂ dũng cảm hơn khi cho những suy nghĩ của mình được suy nghĩ, những cảm xúc của mình được cảm thấy, và sự hiện diện của mình được hiện diện.

Mình còn tham sân si lắm nên mình cứ khó chịu rồi tự hỏi làm sao những người lớn, những người cổ vũ việc kìm nén cảm xúc, thao túng tâm lý, đánh giá, xem thường người khác lại có thể tự tin làm “người lớn” được nhỉ? Sao tối ngủ ngon được? Sao dám bước ra xã hội? Sao có thể làm tròn trách nhiệm của một người cha, người mẹ được trong khi chính đứa trẻ bên trong mình bị bỏ rơi? Vậy nên ai đọc được bài đọc này, thấy mình chưa có mối quan hệ tốt đẹp với em bé bên trong mình thì làm ơn, 100 lần, 1000 lần, đừng cố gắng ảnh hưởng hay thay đổi ai ngoài kia giúp mình nhé. Ơn phước đức độ 🙏.

Sau cùng mình cũng đã cảm thấy em bé bên trong mình nhận được sự tôn trọng đáng có, được ôm lấy, được vỗ về, và được thương.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *