Tóm tắt hành trình tại chỗ làm đầu tiên của HÂ
Sau một khoảng thời gian đi tạo form lấy mẫu góc nhìn của người khác nghĩ gì về mình, những thứ mình đúc kết được là:
On a bright side:
- Mình xịn vãiii!!!!
On a not really bright side:
- Mình thích nghe những lời nói ngọt ngào
- Somehow mình vẫn đang cố gắng chứng minh bản thân mình với thế giới
Tất cả những chia sẻ tích cực của những người xung quanh về mình là động lực rất lớn để mình lấy lại niềm tin vào bản thân. Nhưng một lần nữa mình nhận ra rằng, mình vẫn chưa thực sự trân trọng, nhìn nhận và yêu thương bản thân mình một cách độc lập. Và đây có thể sẽ là cái bẫy rất lớn khiến mình rơi vào những tình huống bất lợi cho bản thân.
Giải thích một cách “khoa học” thì cơ bản mình đang khát khao chạm đến tầng thứ hai trong tháp nhu cầu Maslow – Self-esteem (nhu cầu về sự công nhận, tự tôn và giá trị bản thân). Vậy câu hỏi nên đặt ra là gì?
- Tại sao một người trẻ như mình, người chưa thể kiếm đủ để đáp ứng được tầng thấp nhất về nhu cầu sinh tồn lại “tham lam” chạm đến tầng cách mình đến 3 bậc?
- Liệu những người trẻ ngoài kia cũng khao khát điều tương tự? Nếu có, liệu nó có là một vấn đề chung của thế hệ?
- Vậy mình nên làm gì?
Mỗi người ai cũng muốn trở thành phiên bản độc nhất, đặc biệt nhất. Nhưng rồi cuối ngày, họ cũng chỉ mong cầu một cảm giác được thuộc về một nơi nào đó, được công nhận, và được thương.
Điều mà em bé HÂ non nớt nhận ra được khi bước chân vào thế giới “người lớn” này rằng, thế giới này không có trắng và đen, hay đúng và sai, mọi thứ đều giao thoa với nhau và mình cần biết rõ mình là ai, tin gì, muốn gì để “chọn phe” khiến mình thấy mình cảm thấy thuộc về nhất thôi.
Ta đang sống trong một thế giới mà thông tin là rẻ tiền, ai cũng có thể trở thành người “truyền cảm hứng”, và thi nhau trưng bày thành tích để chiếm lấy lòng tin và ví tiền khán giả, ta lại vô tình bị hút vào cuộc đua chứng minh giá trị bản thân. Bị thôi thúc phải thành công, phải “làm được gì đó”, phải trở thành “ai đó” – dù đôi khi, ta còn chưa thật sự biết rõ “thành công” với mình nghĩa là gì. Và nhiều người bắt đầu với định nghĩa của thành công là tiền – which is fair enough 😎.
Quay trở lại tiêu đề bài viết với nhận định “Identity is a prison“, dịch nôm na “Danh tính là một nhà tù“, vì sao lại có nhận định như thế nhỉ?
Danh tính của chúng ta thường đi kèm với kỳ vọng xã hội và những niềm tin đã ăn sâu vào tâm trí . Khi bị xác định bởi một danh tính duy nhất, chúng ta có thể bị mắc kẹt trong chính nhận thức của bản thân, giới hạn hành động và sự tương tác của mình dựa trên cách chúng ta nhìn nhận về chính mình.
Theo Jean-Paul Sartre, trong quyển sách Being and Nothingness (Tồn tại và hư vô) dài 700 trang có một đoạn chỉ ra rằng:
Một chiếc ghế là một chiếc ghế vì chúng ta ngồi trên nó? Hay chúng ta ngồi trên nó vì nó là một chiếc ghế? Nói cách khác, bản sắc của chúng ta có đi trước hành động của chúng ta hay hành động của chúng ta định nghĩa bản sắc của chúng ta? Đối với câu hỏi này, Sartre đưa ra một quan điểm: không có tính hai mặt giữa con người chúng ta – bản chất của chúng ta và những gì chúng ta làm. Điều này có nghĩa là chúng ta không ngu ngốc cũng không tử tế, chúng ta là một tập hợp các biểu hiện của sự ngu ngốc; chúng ta không là gì ngoài hành động của mình.
Cơ bản, con người sợ những thứ không chắc chắn, càng không thể hiểu mình là hư vô. Nên mỗi người đều có mỗi nhà tù của mình mang tên danh tính.
Và mình viết điều này cũng không có nghĩa mình đã vượt qua được trạng thái đó. Mình vẫn loay hoay định nghĩa bản thân mình thông qua hằng hà sa số cách. MBTI, cung hoàng đạo, bát tự mệnh, tử vi,…dù là vô thần hay hữu thần, mỗi người đều đang cố gắng tìm cách “gán nhãn” mình.
Cái bẫy đầu tiên mình bị sập là khi lần đầu tiên mình bước chân vào thị trường lao động.
Năm 2022, khi còn là sinh viên năm cuối, mình nhận lời làm thực tập sinh Marketing tại một tổ chức giáo dục được thành lập bởi một người Việt.
Cô bé sinh viên năm ấy chẳng biết mình có thế mạnh gì, mình muốn gì, và mình xứng đáng có được những gì. Cô chỉ mang một tinh thần học hỏi chân thành và sẵn sàng đóng góp hết sức mình.
Lúc ấy, cô đặt niềm tin hết vào sếp mình vì nghĩ rằng sếp sẽ luôn muốn những điều tốt nhất cho sự phát triển của mình, nên tất cả những lời khuyên, những bài học cô nhận được từ sếp, cô đều tự động cho là đúng.
Khát khao chứng minh bản thân mãnh liệt của cô sinh viên thiếu kinh nghiệm đã biến những lời nói đầy chi phối của sếp thành động lực mạnh mẽ, khiến cô miệt mài cống hiến hết mình cho công việc, không một tiếng thở than hay đòi hỏi gì về quyền lợi.
Trải qua hơn hai năm, hàng chục dự án lớn nhỏ, cô bé ấy được đã thật sự được trao quyền để làm việc và đóng góp cho sự phát triển của công ty, và của cả hệ sinh thái. Và đó là điều cô vẫn sẽ luôn biết ơn và trân trọng, vì chính cơ hội đó, chính việc bản thân đã đốt 200% sức lực để làm, cô nhận ra rằng, cô làm được.
Nhưng cái giá phải trả là gì?
- Vì không biết cách đặt giới hạn, cô không có ngày nghỉ, thậm chí là không có khái niệm “giờ hành chính”.
- Vì không biết bản thân mình xứng đáng, cô làm hàng trăm đầu việc không tên, tương đương với sức làm của 4-5 nhân sự nhưng không nhận được sự công nhận hay quyền lợi tương xứng chỉ vì “đây là cơ hội để em làm và em học thêm, công ty cũng thua lỗ không kiếm ra tiền…”
Và vì những cái giá phải trả ấy, cô bé ấy ngủ ít đi, không còn giữ liên lạc với bạn bè, bỏ qua những niềm vui cá nhân, làm những người cô ấy yêu thương buồn, và trên hết, cô mãi mê đóng vai phụ trong thước phim của người khác mà không nhận ra rằng bộ phim cuộc đời của mình đang thiếu mất vai nữ chính.
Chỉ vì bị thách thức “em chỉ là một cô gái có gương mặt ưa nhìn, chỉ biết nói mà không làm”, cô bé sinh viên ngờ nghệch ấy lại cảm thấy mình chưa làm đủ, nên quyết định dập tắt mọi đam mê khác để dồn hết sức lực vào công việc. Để rồi cuối cùng nhận ra rằng, mình đang bị thao túng để làm nhiều hơn mà thôi.
Đó là một hành trình dài về việc suy ngẫm, phân tích, và quán chiếu để mình biết được rằng, mình cần phải “thoát” khỏi đây. “Thoát” khỏi môi trường mang danh tạo tác động nhưng đầy ích kỉ này, “thoát” khỏi những suy nghĩ giới hạn bản thân, “thoát” khỏi những bài học sai mà mình đã từng tin là đúng.
Và mình cảm thấy lạc lối, nhưng tự do